Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Dien Nguyen Duc Me hien ra tai Fatima - ket thuc thang Mân Côi tại Giáo xứ ĐỨc Hòa


Diễn nguyện về sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở Fatima
Kết thúc tháng Mân Côi tại Giáo xứ Đức Hòa- Long An

Vào ngày Chúa Nhật 31 Thường Niên A (30 tháng 10 năm 2011) vừa qua, tại Giáo xứ Đức Hòa, Hạt Đức Hòa, Giáo Phận Mỹ Tho, các em thiếu nhi của Giáo xứ đã giúp cộng đoàn có dịp suy gẫm lại sứ điệp của Đức Mẹ hiện ra tại Fatima cho ba trẻ nhỏ Lucia, Jacinta và Francisco qua hình thức diễn nguyện.














Ý tưởng này do Cha Sở Đaminh Nguyễn Thanh Liêm gợi ý và sắp xếp thực hiện trước Thánh Lễ sáng và chiều Chúa Nhật 31 thường niên với mục đích nhắc nhở cộng đoàn yêu mến Đức Mẹ qua kinh Mân Côi. Những ngọn nến lung linh cháy sáng tượng trưng cho ngọn lửa tâm hồn của bà con giáo dân muốn yêu mến Thiên Chúa và yêu mến Mẹ mỗi ngày một hơn. Đồng thời noi gương Mẹ, cộng đoàn Giáo Xứ muốn đời sống đức tin của mình trở nên ngọn lửa soi chiếu cho nhiều người biết Chúa hơn. Ngoài ra, sáng kiến mục vụ này còn có ý nghĩa rằng: trong ngày Lễ kết thúc tháng Mân Côi, cộng đoàn Giáo xứ muốn dâng lên cho Mẹ những cố gắng, những hy sinh và cả những lời kinh được cất lên trong các gia đình qua các buổi đọc kinh Mân Côi liên gia trong bốn giáo khu của Giáo xứ suốt Tháng Mân Côi vừa qua.


Buổi diễn nguyện đã để lại trong lòng người tham dự nhiều ấn tượng tốt đẹp cùng với tâm tình đạo đức. Một bà cụ trong Giáo xứ sau khi tham dự buổi diễn nguyện cho biết: “Lâu lắm rồi chúng con mới xem buổi diễn nguyện như thế này. Trước đây, con chỉ mường tượng về Đức Mẹ Fatima trong trí mà thôi, hôm nay buổi diễn nguyện làm con nhớ hơn về sứ điệp của Mẹ tại Fatima”.  Như Bà Bảy cũng cho biết khi tham dự buổi diễn nguyện vào trước Lễ sáng bà ngồi ở xa nên không thấy rõ. Vì thế vào buổi chiều bà quyết định ngồi ở dãy ghế đầu để nhìn cho rõ.
Có được những kết quả tích cực như thế là có sự đóng góp của nhiều người trong đó có nhiều công khó của Quý Dì Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân An đang hiện diện và cộng tác với Cha Sở trong một số công tác mục vụ tại Giáo xứ Đức Hòa. Quý Dì kiên trì tập luyện cho các em suốt hai tuần. Buổi diễn nguyện không chỉ giúp cho cộng đoàn cầu nguyện mà còn tạo nên tâm tình yêu mến Đức Mẹ nơi chính các em. Vì trong lúc luyện tập và thực hiện, các em luôn đặt hết tâm tình của mình vào từng lời thoại và từng động tác.
Buổi diễn nguyện kết thúc Tháng Mân Côi không phải là kết thúc một phong trào mang tính Lễ Hội nhưng như lời Cha Sở thường hay nhắc nhở cộng đoàn hãy giữ và làm cho lời kinh Mân Côi luôn vang lên mãi mỗi ngày, mỗi gia đình trong Giáo xứ. Vì qua lời kinh Mân Côi, nhờ ơn Chúa qua lời Đức Mẹ chuyển cầu, chúng ta sẽ được hưởng ơn bình an trong tâm hồn, cho gia đình, cho Giáo xứ, cho đất nước và cho thế giới.
Tôma Nguyễn Hoàng Duy

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

moi chua vui trung thu

<embed src='http://www.youtube.com/v/0N3HnnOtNeI&autoplay=1' type='application/x-shockwave-flash' wmode='transparent' width='425' height='350'></embed>

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Thanh The - Luong thuc truong sinh

Tĩnh Tâm Lớp Xưng Tội - Rước Lễ Lần Đầu
Giáo xứ Đức Hòa (25-8-2011)

Chủ Đề: “THÁNH THỂ - LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH”

Mời các con đứng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, nâng đỡ chúng ta, cho chúng ta biết yêu mến Chúa nhiều hơn.
DẪN NHẬP
Các con thiếu nhi thân mến!
Hôm qua, chúng ta cùng nhau suy nghĩ và cầu nguyện về về lòng nhân từ của Thiên Chúa qua bí tích Hòa giải. Chúa không muốn chúng ta phải ở trong tối tăm, ở trong nơi ở của ma quỷ, nơi không có tình yêu, không có ánh sáng, không có sự sống. Do đó, Thiên Chúa gọi chúng ta về giao hòa cùng Chúa là ánh sáng, là sự sống, là tình yêu.
Trước khi bước vào buổi tĩnh tâm hôm nay, thầy hỏi các con một câu: “mỗi ngày chúng con ăn cơm mấy lần?” Tại sao chúng ta không để lâu lâu mới ăn một lần, mà phải ăn mỗi ngày đến 2-3 lần?
An cơm, bánh canh, hủ tiếu… thì vẫn đói, không ăn thì ốm yếu, rồi chết, mà ăn cũng chết, vậy có món ăn nào chúng ta ăn sẽ được sống đời đời không, có bánh nào ăn rồi thì không phải chết? Có bánh nào ăn vào là được trường sinh bất tử không?
Vì Thiên Chúa yêu con người, muốn con người được sống hạnh phúc nên Ngài nảy ra sáng kiến: Ngài đã chấp nhận trở nên bé nhỏ trong hình bánh Thánh Thể để Ngài thực sự nuôi sống chúng ta, ở với ta, làm cho chúng ta được sống đời đời, được trường sinh bất tử.
Để xác tín hơn về điều này, mời các em cùng đứng lên chúng ta lắng nghe chính Lời Thiên Chúa nói.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Ga (Ga 6, 47-58)
47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. 48 Tôi là bánh trường sinh. 49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. 50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. 51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?" 53 Đức Giê-su nói với họ : "Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."
ĐÓ LÀ LỜI CHÚA.

I. Món Ăn Độc Nhất Vô Nhị
Bài Tin mừng các con vừa nghe, Chúa Giêsu cho chúng ta biết món ăn trường sinh là món gì? - (Bánh trường sinh). Bánh này do công ty nào sản xuất, có nguồn gốc từ đâu? - (Từ trời). Bánh làm bằng gì? - (“Nhân thịt” “nước sốt là máu = thịt, máu của Chúa Giêsu,). An vào thì sẽ làm sao? - (“tác dụng chống lão hóa, trường sinh bất tử”). Vậy bánh này có khác với bánh bao nhân thịt không? Khác với hủ tiếu gõ không? Khác với bò né không?
Vậy bánh trường sinh của Chúa Giêsu có thật không? Các con có xem phim Tây Du Ký không? Các yêu quái chỉ thích một món ăn đó là gì? Thịt Đường Tăng, ăn vào sẽ trường sinh bất lão. Nhưng có ai ăn thịt Đường Tam Tạng không?  Trong  khi đó, Chúa Giêsu thì Ngài tự hiến mình làm của ăn nuôi sống tất cả mọi người, tất cả những ai tin vào người. Dù đôi có lúc Ngài đau đớn, khổ sở trước cái chết nhưng vì thánh ý Cha, Chúa Giêsu sẵn sàng chết trên thập giá, lấy thân mình, máu mình để cứu nhân loại. Để ai nhìn lên Thập giá và tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa thì được sống trong Thiên Chúa. Và Thịt và Máu Chúa Giêsu bây giờ là gì? Chúng ta đến đâu để mua? – Là bánh và rượu được truyền phép trong Thánh lễ để trở nên Thịt và Máu Chúa Giêsu. (chúng ta không ăn trực tiếp thịt, máu Chúa nhưng Chúa đã biến đổi nên hình Bánh và hình Rượu để cho chúng ta. Giống Tề Thiên chui vào bụng bà Lasát).
II. Hiệu Nghiệm của Bánh Trường Sinh
Các con ăn cơm, thịt, trứng… tất cả những thứ đó vào trong mình ta thì nó sẽ chuyển hóa thành cái gì? - (Thành máu, chất khoáng, hữu cơ, mỡ… để cho ta có sức khỏe để chơi, để học…). Đây là sự sống thể xác. Vậy ăn Bánh trường sinh có no bụng không? – Không, bánh này nuôi linh hồn. Chúa Giêsu nói Bánh này ăn vào sẽ sống muôn đời, nghĩa là không phải chết, vậy sao ta thấy nhiều người ăn Bánh trường sinh vào vẫn chết như thường, không khác gì người không ăn? – “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Vậy sự sống mà Chúa hứa ban là sự sống đời đời, sự sống vĩnh cữu sẽ được thấy trong ngày “sau hết” ngày tận thế, ngày Chúa Giêsu đến trong vinh quang. Và đó là sự sống đích thực của linh hồn và thể xác.
Do đâu mà người ăn Bánh trường Sinh được sống đời đời? – Do có Chúa, chính Chúa Giêsu ở trong người ấy và người ấy ở trong Chúa Giêsu. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56).
Vậy khi ăn thực phẩm nuôi thân xác thì thực phẩm trở nên thân thể của ta nhưng khi ăn Bánh Trường Sinh thì ta có Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Đây là hiệu quả tối ưu nhất, kỳ diệu nhất, dễ dàng nhất, phi thường nhất khi ta kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Từ đây giữa ta và Chúa không còn khoảng cách, ta và Chúa sẽ ở gần bên nhau, ở trong nhau “tuy hai mà một tuy một mà hai”.
Vì sao mà Chúa Giêsu xuống trần gian làm người, chết trên thập giá, hiến Thịt và Máu để nuôi chúng ta? – vì Chúa đã yêu, đang yêu và mãi yêu chúng ta. Khi yêu nhau người ta không còn nghĩ đến mình nhưng chỉ nghĩ cho người mình yêu, muốn làm mọi sự tốt đẹp nhất cho người mình yêu mà thôi. Đối với Thiên Chúa, điều tốt đẹp nhất là chúng ta được ở trong Thiên Chúa mãi mãi. (ví dụ về tình yêu cha mẹ hy sinh vì con cái: câu chuyện cho con nhìn bằng con mắt của mẹ).
III. Chúng ta đến mà ăn
Thiên Chúa đã làm mọi sự cho chúng ta, Người muốn chúng ta hạnh phúc thực sự. Người đã dọn sẵn cho ta bữa tiệc của Thần Linh, bữa tiệc của Thiên Quốc vậy chúng ta còn chần chờ gì nữa. Hãy mạnh dạn, can đảm lên, hãy lòng kề lòng để hiểu Thiên Chúa mà đến kết hợp với Chúa trong Lời và trong Bí Tích Thánh Thể được dọn sẵn trong Thánh Lễ mỗi Ngày.
Còn gì hạnh phúc hơn, còn gì quý giá hơn được làm con Chúa, được ăn Bánh trường sinh được uống Máu cứu độ, được ở trong Chúa và được Chúa ở trong tâm hồn mình. Vậy các con hãy xin Chúa thêm cho các con lòng ước ao, khao khát được Rước Chúa, được ở với Chúa mỗi ngày khi chúng con đi tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ. Đặc biệt, ngày chúng con sắp được rước Chúa vào lòng đang cận kề, không còn xa nữa, các con hãy cầu nguyện với Chúa nhiều hơn, và dọn lòng mình cho sốt sắng hơn.
IV. Cầu nguyện
Lạy Chúa, chúng ta hết lòng cảm ơn Chúa vì Chúa rất rộng lượng. Ngài không nỡ để chúng con phải chết trong tội của chúng con. Ngài đã cứu chúng con, đã ban bí tích Giải tội cho con. Hơn thế nữa, Ngài còn muốn đến ở ngôi nhà tâm hồn của chúng con để chúng con không còn làm nô lệ cho tội, không còn mời ma quỉ đến nhà mình nữa. Ngài đã trở nên Bánh Trường Sinh để đến với tâm hồn chúng con và ở lại với chúng con.
Lạy Chúa, chúng con sắp được đón Chúa vào lòng con, vào tâm hồn nhỏ bé của chúng con. Xin cho chúng con biết mỗi ngày thêm khát khao được Rước Chúa. Và khi được Rước Chúa rồi, xin cho con siêng năng tham dự Thánh Lễ để con Rước Chúa mỗi ngày, để Chúa ban ơn cho con nhiều hơn, để con ngoan hơn, thánh thiện hơn.
(Chúng con hãy dâng lên Chúa những lời cầu nguyện riêng của chúng con: ông bà, cha mẹ, thầy cô, cho việc học của mình, đặc biệt cầu cho ngày trọng đại trong đời là Xưng tội và Rước Chúa lần đầu).
Hát bài: “Thầy yêu Chúng con”.



Tinh tam thieu nhi lop Ruoc Le lan dau

TĨNH TÂM LỚP XƯNG TỘI – RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU
Chủ đề: “Được Tha Thứ Và Hãy Thứ Tha”

Dẫn Nhập
Các con thiếu nhi thân mến!
Chắc hẳn các con đang rất nóng lòng, rất khát khao được đón nhận Thánh Thể là Chính Chúa Giêsu lần đầu tiên đến ở trong tâm hồn chúng con. Vậy thầy hỏi các con: muốn lãnh nhận Mìnnh Thánh Chúa các con phải có những điều kiện nào?
-  Sạch tội trọng
-  Có ý ngay lành
Muốn Rước Chúa phải sạch tội, vậy làm sao để sạch tội?
-  Thưa phải đi xưng tội. (Lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải)
Qua Bí tích Hòa giải, Thiên Chúa sẽ tha thứ mọi tội lỗi, mọi điều xấu chúng ta mắc phải. Đó là hồng ân rất lớn lao mỗi người chúng ta. Hôm nay trong giờ tĩnh tâm để dọn mình lãnh nhận hai bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể, thầy và các con cùng nghe lại đoạn lời Chúa trong Tin Mừng của Thánh Matthêu nói về ơn tha thứ của Thiên Chúa ban cho chúng ta và Chúa cũng muốn chúng ta cũng biết tha thứ cho nhau.
Mời các con cùng đứng để nghe Lời Chúa.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô Theo Thánh Matthêu (Mt 18,21-35)
21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng : "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ?" 22 Đức Giê-su đáp : "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."
23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy : "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo : "Trả nợ cho tao !" 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ : "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.
31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo : "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."
ĐÓ LÀ LỜI CHÚA.

I. Được Thiên Chúa Thứ Tha
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, người đầy tớ mắc nợ ông chủ bao nhiêu tiền? (mười ngàn yến vàng). Ông chủ có bắt tên đầy tớ trả nợ không? Thưa Có. Nhưng tên đầy tớ có tiền trả không? (Không). Vậy ông chủ làm gì? (ông chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ). Ong chủ có ác không? (không vì đó là điều hợp lẽ công bằng thiếu nợ thì phải trả). Tên đầy tớ vì không có tiền trả nên anh đã van xin ông chủ. Ong chủ có thương tên đầy tớ này không? Ong chủ đã “chạnh lòng thương” nên tha hết cho anh đầy tớ. Vì thế anh ra về với một niềm vui rất lớn, vui như trúng số.
Trên đường về anh ta gặp một người bạn mắc nợ anh bao nhiêu? (một trăm quan tiền). Số tiền này có lớn bằng số tiền anh mắc nợ ông chủ không? (thưa chỉ bằng 1/100.000). Vậy mà anh ta đã tống người bạn mình vào ngục vì anh bạn này quá nghèo không có tiền trả.
Thấy được cảnh này ông chủ đã xử thế nào đối với anh đầy tớ này? Ong nổi giận và bắt anh ta bỏ vào tù cho đến khi trả xong. Vì anh không có lòng xót thương đối với người bạn của mình như ông chủ đã xót thương anh.
Mỗi người trong chúng ta có mắc nợ Thiên Chúa không? Thưa có đó là khi chúng ta phạm tội. Chúng xúc phạm cha mẹ, thầy cô, bạn bè, chúng ta làm điều xấu là chúng ta xúc phạm chính Thiên Chúa, chúng ta làm Thiên Chúa buồn lòng, chúng ta mắc nợ Thiên Chúa. Tội của chúng ta rất nhiều nhưng Chúa có bắt chúng ta phải sống mãi trong tội không? Thưa không, Thiên Chúa cứu chúng ta bằng Máu của Chúa Giêsu để ban ơn tha tội cho chúng ta qua bí tích Rửa tội, tẩy chúng ta sạch tội tổ tông và mọi tội ta làm. Hơn thế nữa, khi chúng ta yếu đuối và phạm tội thì Chúa cho chúng ta cơ hội để trở về qua bí tích Hòa giải. Vậy chúng ta được Thiên Chúa tha thứ vì Ngài là Đấng từ bi và nhân hậu. Ngài không hề muốn mỗi người chúng ta phải chết. Do đó khi đi xưng tội chúng ta được Thiên Chúa tha thứ và xóa bỏ hết mọi lỗi lầm. Tội chúng ta có đỏ như son Ngài cũng làm cho ta nên trắng như tuyết khi chúng ta thật lòng trở về cùng Chúa, nói với Chúa hết mọi tội của chúng ta không giấu giếm, không mắc cở. Vì Chúa hằng đợi chờ chúng ta trở về như người Cha nhân hậu hằng mong mỏi đứa con hoang đàng trở về.
Vậy các con có sợ, có mắc cở khi đi xưng tội không? Có giấu tội không?
II. Hãy Tha Thứ
Sau khi xưng thú tội lỗi cùng Chúa trong tòa giải tội, chúng ta trở nên một người con ngoan, một con người mới, chúng ta có đầy ân sủng của Chúa cách trọn ven. Vì khi phạm tội chúng ta xa lìa Chúa, ơn Chúa đến với chúng ta không được nhiều. Giờ đây, sau khi xưng tội chúng ta được no đầy ơn Chúa. Nhưng nếu chúng ta không biết tha thứ cho nhau thì Thiên Chúa cũng sẽ không tha cho chúng ta.
Bằng chứng là khi anh đầy tớ được ông chủ tha hết nợ nhưng anh không biết thương xót người bạn của mình thì Thiên Chúa cũng sẽ không tiếc thương anh. Ong chủ sẽ tống anh vào tù. Vậy lý do gì mà ông chủ đã tha cho tên đầy tớ nợ mười ngàn yến vàng rồi lại tống anh vào tù? Thưa không phải vì ông chủ keo kiệt, tiếc của nhưng vì ông chủ giận tên đầy tớ và phạt nó vì nó không có lòng thương người.
Vậy Thiên Chúa cũng sẽ xử với chúng ta y như vậy nếu sau khi đi xưng tội mà chúng ta không ăn năn chừa lỗi, không biết tha thứ, không biết bỏ qua, không biết làm hòa với người bạn của mình.
Các em sắp lãnh nhận Bí tích Hòa giải, các em sẽ được Thiên Chúa tha thứ mọi lỗi lầm, các em sẽ nên trong sạch, không còn mắc nợ, không còn bị ma quỷ giam giữ. Đây là một ân hụê lớn lao, món quà rất quý. Nên các con cần trân trọng và sốt sắng lãnh nhận, chuẩn bị xét mình và xưng tội cho kỹ lưỡng, đừng qua loa, cẩu thả, làm cho xong chuyện. Nhưng hãy đến với Chúa, với Bí tích Hòa Giải thường xuyên khi mình phạm tội.
Đồng thời các con cũng phải biết làm hòa với anh em, với bạn bè, biết bỏ qua những lần người khác xúc phạm đến mình. Nếu chúng ta không thương mọi người thì Thiên Chúa cũng không sẽ không thương chúng con.
III. Cầu nguyện
Lạy Chúa, giờ đây chúng con xin dâng lên Chúa những ý nguyện chân thành của chúng con:
1.                      Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Cha nhân từ, Ngài là Thiên Chúa có lòng thương xót, dù tội chúng con có nặng đến đâu đi nữa Ngài cũng sẵn lòng bao dung mà tha cho chúng con. Chúng con xin thành tâm cảm ơn Chúa.
2.                      Lạy Chúa chúng con cảm ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng con Bí tích Hòa giải để chúng con được trở lại sau mỗi lần chúng con phạm tội. Chúa đã không bỏ chúng con sống trong quyền lực của ma quỉ và sự dữ. Chúa muốn chúng con thuộc về Chúa. Chúng con cảm ơn Chúa.
3.                      Lạy Chúa xin cho chúng con biết xét mình cho xứng đáng, biết dốc lòng trở về cùng Chúa và sốt sắng khi đi xưng tội.
4.                      Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con phải biết tha thứ cho nhau, biết thương xót anh em mình vì Chúa đã tha thứ cho chúng con. Xin Chúa cho con biết mở lòng ra với mọi người, thương yêu và giúp đỡ nhau như Chúa muốn.
Lạy Chúa xin nhận lời cầu xin của chúng con . Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Chúa chúng con. Amen.

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Cam nghiem





Thoáng nhìn về Khóa Học Truyền Thông lần I
Tại Giáo  Phận Mỹ Tho
  
Mặc dù phương tiện đi lại khó khăn, quỹ thời gian eo hẹp nhưng đã có hơn 90 học viên từ các nơi trong Giáo phận Mỹ Tho về tham dự khóa huấn luyện truyền thông tại trung tâm Mục vụ diễn ra từ ngày 8 đếnngày13 tháng 8 năm 2011. Học viên trong khóa học này ở nhiều độ tuổi và nhiều trình độ khác nhau. Về tham dự khóa học, họ mang theo nhiều tâm trạng, nhiều ưu tư khác nhau nhưng có cùng thao thức muốn tìm hiểu về Mục Vụ Truyền Thông.
Vì đây là khóa huấn luyện Truyền Thông đầu tiên nên học viên còn nhiều bỡ ngỡ, thắc mắc. Có những học viên trước đây chỉ mới nghe về Truyền Thông hay chỉ biết chút ít. Qua trao đổi với Chú Tuấn (41 tuổi) Giáo xứ Chánh Tòa Mỹ Tho về động lực khiến anh tham dự khóa học này, anh cho biết: “Khi tình cờ biết được có khóa học Truyền thông tại trung tâm Mục vụ của Giáo phận, tôi tò mò muốn tham dự để có hiểu biết thêm. Nhưng sau một thời gian theo học, tôi cảm thấy khóa học có nhiều điều bổ ích, lý thú nhất là trong phần tạo Blog, đăng ký Web. Và tôi có dự tính sẽ đưa công tác truyền thông vào trong công việc của mình nhằm truyền bá Lời Chúa cho mọi người trên mạng”. Được biết thêm chú đang là nhân viên sửa chữa điện tử và đang chập chững bước vào lãnh vực mạng truyền thông.
Nội dung khóa học bào gồm nhiều môn học mang tính thực tế nhưng cũng không kém phần chuyên môn như cách sử dụng từ ngữ để viết tin, cách chụp hình, tạo blog, phương pháp phỏng vấn… Vậy khả năng tiếp thu của các học viên trong khóa học này như thế nào? Về điểm này, bạn Minh 21 tuổi, Giáo Xứ Ngũ Hiệp cho biết:“Đa phần em tiếp thu tốt, em rất vui khi tạo được blog, biết cách chụp hình. Và sau khóa học em sẽ thiết kế Blog cho thiếu nhi và cho giáo xứ.”
Theo nhận định, khóa học này thích hợp cho những bạn trẻ và những người có kiến thức cơ bản về vi tính. Nhưng đối với các học viên lớn tuổi thì sao?  Bác Hiếu Giáo xứ An Đức cho biết khóa học Truyền Thông giúp cho bác rất nhiều, như biết được các thông tin mạng xã hội, bác nói sau này bác sẽ giúp các hội đoàn trong Giaó xứ biết về các thông tin mạng xã hội.
Như thế, với tinh thần ham học hỏi, cùng với ước muốn dấn thân loan báo Tin Mừng cho thời đại hôm nay nên các học viên phấn khởi theo dõi các bài giảng, miệt mài trên các máy vi tính để tạo Blog, xử lý hình ảnh. Bên cạnh đó, các học viên rất chịu khó trao đổi với các giảng viên xoay quanh các đề tài tạo bầu khí sôi nổi cho lớp học.
Ngoài các giờ học tập, các học viên cùng tham dự những giờ phụng vụ như Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, nghi thức Sám hối trong sự sốt sắng, trang nghiêm.
Mới chỉ sau hai ngày tham dự khóa học, các học viên đãkhám phá ra sự mênh mông và những tiện ích của kênh Truyền Thông. Và trong thời gian sắp tới, chúng ta hy vọng sẽ thấy nhiều trang Web, blog cá nhân với nhiều nội dung phong phú, bổ ích góp phần tạo nên “Bữa tiệc Thiêng Đàng Trên Mạng” cho mọi người. 


Thông Báo Về khóa Huấn Luyện Truyền Thông

Giáo phận Mỹ Tho
Ban Mục vụ Truyền Thông

THÔNG BÁO
v/v T CHC KHÓA HUN LUY
TRUYN THÔNG GIÁO PHN M THO

Vào lúc 10g ngày 8 tháng 8 năm 2011, tại trung tâm mục vụ Giáo Phận Mỹ Tho, số 23 Lý Thường Kiệt, Phường 6, Thành Phố Mỹ Tho, Tiền Giang, Cha Tổng Đại Diện sẽ khai mạc khóa huấn luyện truyền Thông.
Khóa học có khoảng gần 100 học viên bao gồm: linh mục, tu sĩ, chủng sinh và các bạn trẻ đến từ các giáo xứ trong Giáo phận.
Theo dự kiến của ban tổ chức, chương trình huấn luyện sẽ gồm nhiều nội dung thiết thực liên quan đến mục vụ truyền thông như: thực hành các kỹ năng viết tin nóng, tin mềm, ký sự, phóng sự, thực hành Tiếng Việt, thiết kế Blog, tạo trang Web cho giáo xứ và các nội dung bổ ích khác.
Ban Truyền Thông của Giáo Phận Mỹ Tho gồm có các cha trưởng ban, phó ban và các cộng tác viên sẽ chịu trách nhiệm trong việc tổ chức và huấn luyện. Ngoài ra, khóa huấn luyện Truyền thông lần này có sự cộng tác của Cha Giuse Vũ Hữu Hiền, trưởng ban Truyền thông Giáo Phận Tp.HCM, Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh, phụ trách môn Tiếng Việt Thực Hành, Soeur Têrêsa Võ Trần Sơn Nữ Duyên Sa sẽ trình bày phần nhiếp ảnh phóng sự, anh Antôn Nguyễn Xuân Đại chỉ dẫn học viên về cách thức tạo và trang trí Blog. Bên cạnh đó, đạo diễn Nguyễn Phú Hải sẽ truyền đạt kinh nghiệm về mục vụ phim ảnh. Hỗ trợ về an toàn mạng do Thầy Hậu sẽ phụ trách. Để giúp học viên trong phần thực hiện phóng sự, anh Tâm sẽ chỉ dẫn cách thức phỏng vấn có hiệu quả.
Các giờ học buổi sáng sẽ bắt đầu từ 7g15 đến 11g15, sau đó các học viên sẽ viếng Chúa, ăn cơm trưa và sẽ nghỉ trưa vào lúc 12g. Giờ học buổi chiều từ 14g đến 17g, các học viên tiếp tục đến lớp làm việc theo nhóm. Vào buổi tối các học viên có giờ sinh hoạt tập thể, thi đố vui, thực tập viết tin nóng, tin mềm và nghỉ đêm vào 21g15. Ngoài ra, tham dự viên cịn tham dự cc giờ phụng vụ v đạo đức như: Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, Kinh PhụngVụ, nghi thức Sám hối, lần chuỗi và cầu nguyện theo cộng đoàn Taizé.
Khóa học đầu tiên về truyền thông của Giáo phận Mỹ Tho sẽ diễn ra từ ngày thứ hai (8-8-20011) và kết thúc vào sáng ngày thứ  bảy (13-3-2011). Đáp lại lời mời gọi của Đức Giám mục, và nhu cầu truyền giáo của Giáo phận, ban tổ chức khóa huấn luyện mong muốn cung cấp những kỹ năng cơ bản về truyền thông giúp các học viên loan báo Tin mừng hiệu quả hơn.
Ban Mục Vụ Truyền Thông Giáo Phận Mỹ Tho

Tin nong

NGÀY KHAI MẠC
KHÓA HUẤN LUYỆN TRUYỀN THÔNG GIÁO PHẬN MỸ THO

     Vào lúc 10g ngày 8 tháng 8 năm 2011, tại trung tâm mục vụ Giáo Phận Mỹ Tho, số 23 Lý Thường Kiệt, Phường 6, Thành Phố Mỹ Tho, Tiền Giang, Cha Tổng Đại Diện đã khai mạc khóa huấn luyện Truyền Thông.
     Khóa học này có 85 học viên bao gồm: linh mục, tu sĩ, chủng sinh và các bạn trẻ đến từ các giáo xứ trong Giáo phận. Chương trình huấn luyện gồm nhiều nội dung phong phú như: thực hành về các kỹ năng viết tin nóng, tin mềm, ký sự, phóng sự, thực hành Tiếng Việt, thiết kế Blog và các nội dung bổ ích khác. Các giảng viên truyền đạt hấp dẫn kích thích tinh thần học hỏi của học viên.
    Được biết, khóa học khóa học đầu tiên về truyền thông của Giáo phận Mỹ Tho bắt đầu từ ngày thứ hai (8-8-20011) và kết thúc vào sáng ngày thứ bảy (13-3-2011). Qua khóa huấn luyện, ban tổ chức mong muốn cung cấp những kỹ năng cơ bản về truyền thông giúp các học viên loan báo Tin mừng hiệu quả hơn.